BÁO CHI NÓI VỀ VIỆT FOOD

Ông Nguyễn Huỳnh Đạt - Tổng giám đốc Công ty CP Viet Cup: "Tôi muốn người Việt được uống cà phê ngon trên chính quê hương mình

Thứ hai - 23/10/2023 04:08
Luôn thay đổi để mang lại những sản phẩm made in Vietnam là tâm huyết và tham vọng của Nguyễn Huỳnh Đạt trong suốt hành trình lập nghiệp. Dù dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn

các doanh nghiệp chưa hết khó khăn, ông thông báo ra mắt thương hiệu Vietcup Coffee và thành lập công ty mới - Công ty CP Viet Cup.

Tôi biết Nguyễn Huỳnh Đạt gần 10 năm, khi ông vừa làm một việc mà mọi người bảo ông là “điên khùng”. Từng có 24 năm giữ vị trí lãnh đạo cấp cao tại các tập đoàn đa quốc gia và là một trong những người góp phần tạo ra công thức cho sản phẩm bột nêm Knorr, Maggi, ông cũng là người quảng cáo cho các thương hiệu này suốt nhiều năm với mức thu nhập cao ngất ngưởng, nhưng ông lại quyết định “nghỉ việc” để thực hiện giấc mơ của mình: tạo ra sản phẩm bột nêm made in Vietnam với thương hiệu “Ông Bếp”.

Một buổi sáng cuối năm 2020, ông gọi điện thoại cho tôi: “Ngày mai bà đến cắt băng khánh thành công ty mới và chuỗi cửa hàng chay từ thiện cho tui nhé”. Ông giải thích: “Hồi tui mới ra mắt thương hiệu Ông Bếp, bà mua mấy trăm thùng bột nêm đi làm từ thiện. Thế là từ đó, sản phẩm Ông Bếp của tui “đắt hàng” và 2/3 doanh thu những năm qua của Ông Bếp đều đến từ các tổ chức và người mua đi làm từ thiện”. 

Gặp lại Tổng giám đốc Viet Cup, tôi hỏi ngay: 

Sao đang sản xuất gia vị ông lại “với tay” sang sản xuất cà phê, trà và xây dựng chuỗi cà phê nhượng quyền - một lãnh địa cạnh tranh khốc liệt, chắc lại có người nói ông “điên”?

- Ai nói tôi điên cũng được nhưng tôi là người luôn muốn cho đi những giá trị mình có thể làm cho cộng đồng, xã hội và nỗ lực làm vì điều đó để mỗi ngày ngủ dậy, thấy vui vì điều mình làm mang lại ý nghĩa thiết thực cho cuộc sống.

Thật ra, cà phê không phải là lĩnh vực mới. Năm 2017, công ty tôi đã làm cà phê , chủ yếu xuất khẩu sang Đức và một số nước Đông Nam Á và hiện vẫn đang gia công, sản xuất đóng gói cho đối tác Philippines.

Thời còn làm Nescafé, Café Việt cho Công ty Nestlé, tôi đã suy nghĩ: Việt Nam là xứ sở cà phê nhưng lại đem những cái ngon, tốt nhất để xuất khẩu còn người dân chỉ được dùng các sản phẩm thứ phẩm, và tôi muốn mọi người dân Việt Nam phải được uống cà phê, trà ngon trên chính quê hương mình, đó là lý do tôi làm VietCup. Với mong muốn này, tôi không muốn thương mại sản phẩm mà thực hiện sứ mệnh gìn giữ văn hóa cho ly cà phê Việt Nam - một sứ mệnh vượt lên trên giá trị lợi nhuận.

Ông thực hiện điều này như thế nào?

- Tôi đã tạo ra các chuỗi Vietcup Coffee với giá hợp lý và trở thành một nơi “Vì yêu mà đến”, tôi cũng cam kết với Hội Chữ thập đỏ TP.HCM trích lợi nhuận thu được từ Vietcup Coffee phục vụ các hoạt động thiện nguyện của Hội.

Từng thất bại, ông có sợ lại... thất bại?

- Quan điểm sống của tôi là cho đi sẽ nhận lại. Vậy nên, tôi không quan trọng lắm việc kiếm được bao nhiêu tiền mà quan trọng là có bao nhiêu người bạn thân. Trong kinh doanh, cứ một lần vấp ngã là một lần mạnh mẽ hơn và có thêm nhiều kinh nghiệm, đặc biệt là kinh nghiệm sống. 

Nghe nói thương hiệu Ông Bếp đã được đặt cho ông từ khi còn học nghề?

- Tôi từng thi đậu ba trường đại học nhưng không có tiền để đi học. Nên tôi phải gác lại ước mơ đi học và vào Sài Gòn làm nghề đánh giày kiếm sống trên khắp đường phố Sài Gòn. Một lần, khi ngồi đánh giày cho thầy Từ Tích Huy, lúc đó là Tổng bếp trưởng của khách sạn Equatorial. Khi biết câu chuyện của tôi, ông nhận tôi vào làm và cho học nghề đầu bếp.

Sau này, ông mới cho biết, lúc đó nhận tôi vào làm và dạy nghề vì thấy tôi thật thà, có tố chất của người làm đầu bếp, có trách nhiệm, đam mê với nghề và thích tìm tòi sáng tạo để làm món ăn ngon hơn, biết kính trên nhường dưới. 

Năm 1992, ông gửi tôi và một số học trò giỏi của khách sạn sang Singapore để tham dự kỳ thi đầu bếp Vàng khu vực châu Á - Thái Bình Dương và tôi đạt giải cao nhất “Cây nĩa vàng khu vực châu Á” . Từ đó, mở cho tôi con đường thành masterchef của châu Á - Thái Bình Dương và top 10 đầu bếp nổi tiếng nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cũng chính từ đây, nhân hiệu Ông Bếp được bạn bè đồng nghiệp gắn cho tôi.

Và đó là cơ hội để ông trở thành hình ảnh đại diện cho các thương hiệu Knorr và Maggi từ năm 1996-2002?

- Sau khi tôi đạt giải thưởng thì Tập đoàn Best Food của Mỹ (nhà tài trợ Vàng cho cuộc thi này) đã mời tôi về làm đại sứ thương hiệu cho Knorr khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Sau hơn 10 năm cống hiến cho tập đoàn Unilever Best Food, (sau khi Best Food bán toàn bộ Tập đoàn cho Unilever, tôi tiếp tục làm quản lý cấp cao cho Unilever Best Food 4 năm) và lúc đó tôi muốn làm một điều gì đó mới hơn và năm 2002 Nestlé Thụy Sĩ đầu tư vào Việt Nam. Tôi được biết Nestlé là một tập đoàn dinh dưỡng có tên tuổi toàn cầu nên khi họ có nhu cầu tìm kiếm một ứng viên có khả năng để phát triển ngành hàng gia vị thực phẩm cho thị trường châu Á, trong đó có Việt Nam, tôi đã đồng ý vì muốn tìm hiểu, học hỏi thêm kiến thức mới, công nghệ mới cho ngành dinhh dưỡng thực phẩm để phục vụ cho nhu cầu của người Việt Nam.

Và tôi được mời làm đại sứ thương hiệu cho thương hiệu nước tương Maggi và tiếp tục 12 năm với vị trí quản lý cấp cao của Nestle của Thụy Sĩ tại Việt Nam.

viet-cup-coffee-1-3830-1617266405.jpg

Tại sao đang làm quản lý cấp cao và có nhiều cơ hội đóng góp và thu nhập cao, ông lại quyết định ra riêng bắt đầu từ số 0?

- Năm 2014, Nestlé bỏ ra hàng triệu USD để khảo sát nhu cầu của người thu nhập thấp của nông thôn Việt Nam để phát triển sản phẩm đáp ứng phân khúc này. Nhưng sau khi có kết quả nghiên cứu, tập đoàn nhận thấy không thể đáp ứng cho phân khúc này vì với thu nhập của người nghèo Việt Nam, từ 1,5-3 triệu đồng/tháng. Phân khúc này đang chiếm 23% trong tổng số gần 90 triệu dân Việt Nam lúc đó, nhưng lại quá thấp để họ dành kinh phí đầu tư.

Lúc đó, tôi đã có 24 năm kinh nghiệm giữ vị trí lãnh đạo cấp cao. Tôi nghĩ tại sao mình đóng góp cho các công ty thu được vài chục nghìn tỷ USD mà lại không làm được một sản phẩm cho phân khúc thu nhập thấp tại Việt Nam, để người dân có sản phẩm tốt, an toàn mà lại phù hợp thu nhập. Nhìn lại mình, dù có lương cao, ổn định nhưng mình chỉ là người làm thuê cao cấp chứ chưa mang lại được giá trị gì cho cộng đồng, vì vậy tôi quyết định nghỉ việc để làm điều đáng làm cho cộng đồng.

Đó là lý do mọi người nói ông... điên?

- Đúng. Trong khi mọi người ở lại có thu nhập ổn định, sống vui vẻ, ổn định với thu nhập cao từ tập đoàn, thì tôi lại đi vào một con đường đầy chông gai, sỏi đá và cô độc. Nhưng chính cái khùng điên đó mà sau 6 năm, tôi đã khẳng định được thương hiệu Ông Bếp sử dụng hình ảnh của chính tôi, với 30 dòng sản phẩm gia vị gồm nước tương, nước mắm, bột nêm, dầu hào, sốt cà chua, tương ớt... 

Khác biệt của Ông Bếp là tôi không bán sản phẩm vào thị trường mà các thương hiệu khác đang kinh doanh tại Việt Nam. Sản phẩm của tôi chỉ bán vào thị trường ngách, công đoàn cơ sở, vùng sâu, vùng xa và những hội chợ dành cho công nhân lao động nghèo. Song song đó là kênh bán hàng trực tiếp qua dự án thương mại điện tử ongbep.vn và đăng miễn phí cho các sản phẩm của doanh nghiệp Việt đủ giấy phép và tiêu chuẩn.

Đến thời điểm này, tôi cũng nhận được nhiều giải thưởng từ các tổ chức uy tín như Top 10 sản phẩm chất lượng Việt Nam năm 2016, Top 10 thương hiệu bền vững năm 2020, Tấm lòng vàng vì sự nghiệp an sinh xã hội năm 2020... Đó cũng chính là món quà tinh thần tiếp thêm sức mạnh để tôi lại tiếp tục thay đổi và làm những điều mang lại lợi ích cho mọi người

Tác giả: admin

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

.
.
.
.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây